Một hội nhóm đang chiêu dụ nhiều người trẻ tham gia đầu tư "Tài chính hiphop 4.0". Đây là biến thể của mô hình đa cấp nhị phân đầy rủi ro từng bị cảnh báo.
Không gian lập lòe ánh đèn laser, nhạc xập xình, nhóm bạn trẻ gật gù trong âm nhạc, đổ rượu vào nhau... Đó là hình ảnh từ một đoạn video ghi lại những gì diễn ra bên trong buổi tiệc của những người tự nhận là "chuyên gia tài chính hiphop".
"Đây là thác loạn. Bạn không thể học được kiến thức tài chính nào ở đây", P. Oanh, từng tham gia nhóm đa cấp OTB Group kể lại với Zing.
Người đứng đầu hội nhóm OTB Group là L.M.H, người Hà Nội, đang sinh sống tại TP.HCM. Người phụ nữ này cũng là một người nổi tiếng trên mạng xã hội một thời gian dài trước khi trở thành lãnh đạo cấp cao của OTB Group. Nhóm này hoạt động theo mô hình thường thấy của đa cấp biến tướng, tập trung chiêu dụ thành viên tuyến dưới.
Để làm được việc này, L.H.M thường xuyên đăng tải nội dung về sự thành công, tự chủ tài chính và những buổi tiệc "tới bến".
Các thành viên của hội nhóm OTB còn khá trẻ. Ảnh: FBNV. |
Từ tháng 6, những đoạn video của L.M.H xuất hiện tràn ngập mạng xã hội. Không riêng H, nhiều người trẻ khác cũng xây dựng cho mình hình ảnh các bạn trẻ thế hệ Gen Z làm "chuyên gia tài chính". Hội nhóm đa cấp này tham gia giao dịch quyền chọn nhị phân trên sàn Rosichi trả lãi theo nhiều tầng.
Phát 2.000 USD cho mỗi trưởng nhóm để cùng khoe chiến tích
Trên thẻ xu hướng của ứng dụng TikTok xuất hiện nhiều video của L.M.H, sinh năm 1997, người đứng đầu hội nhóm đa cấp OTB Group. Tài khoản TikTok này có hơn 50.000 người theo dõi.
H thường xuyên làm video về các nội dung liên quan đến tiền số, quảng bá mô hình nhị phân... Một số video của tài khoản L.M.H đạt hơn 2 triệu lượt xem, chia sẻ về cách làm giàu nhờ "đầu tư tài chính".
Đây là thác loạn. Bạn không thể học được kiến thức tài chính nào ở đây
P. Oanh, cựu thành viên nhóm đa cấp OTB Group
Tuy nhiên, mô hình mà hội nhóm này tham gia là quyền chọn nhị phân (Binary Option, BO), giao dịch trên sàn Rosichi, mô hình tương tự nền tảng Wefinex, sàn giao dịch từng bị Công an TP.HCM cảnh báo lừa đảo. Bên cạnh đó, các thành viên tham gia OTB Group cũng từng là leader (trưởng nhóm) Wefinex.
Họ được các trưởng nhóm đào tạo cách "đánh bóng tên tuổi" bằng việc xây dựng hình ảnh bản thân là người tự lập, giàu có, hiểu biết nhiều kiến thức ngành tài chính... Nhóm người trẻ này theo đuổi phong cách hiphop, cá tính, thường xuyên đăng bài trên mạng xã hội, khoe "chiến tích" là những giao dịch đặt cược thành công.
Trên thực tế, H. H, một thành viên từng tham gia OTB Group chia sẻ, các đại lý được nhóm quản trị sàn Rosichi phân phát tài khoản có sẵn 2.000 USD để đặt cược. Số tiền này chỉ có hiệu lực trên hệ thống, không thể chuyển thành tiền mặt.
Cụ thể, đại lý sẽ sử dụng tài khoản "ảo" để tham gia giao dịch và chụp hình lại các lệnh thắng, có lãi cao, nhằm chiêu dụ thêm người tham gia để hưởng hoa hồng. "Số tiền 2.000 USD trong tài khoản do ban quản trị cấp sẽ không thể thanh khoản, rút tiền. Số tiền thực tế họ kiếm được là chiêu dụ thành viên", bà H nói với Zing.
Kênh TikTok của hội nhóm được gắn mác "tài chính hiphop 4.0". Ảnh: Chụp màn hình. |
Nhiều "chuyên gia tài chính hiphop" còn chia sẻ danh sách xếp hạng lợi nhuận từ tiền hoa hồng của các leader (thủ lĩnh các đội nhóm), con số này lên đến vài chục triệu đồng/tháng, dù chỉ là ảo. Ngoài ra, OTB Group thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo cho người tham gia.
Đào tạo cách lôi kéo thành viên thay vì kiến thức tài chính
Theo Trúc Thanh, một leader từng tham gia khóa học của OTB Group, các "chuyên gia đào tạo" Gen Z chủ yếu dạy học viên cách xây dựng hình ảnh uy tín, giàu có, tạo niềm tin cho "khách hàng" nhằm giúp các leader mới chiêu dụ thêm nhiều nhà đầu tư khác.
"Họ tập trung việc kêu gọi người tham gia hơn là đào tạo kỹ năng tài chính", cựu thành viên nhóm này cho biết.
Số tiền 2.000 USD trong tài khoản do ban quản trị cấp sẽ không thể thanh khoản, rút tiền. Số tiền thực tế họ kiếm được là chiêu dụ thành viênBà H, người từng tham gia OTB Group
Về phương pháp giao dịch BO, Thanh cho rằng các "chuyên gia" Gen Z có vốn kiến thức hạn hẹp và thiếu kinh nghiệm trong việc giảng dạy vì họ đang ở độ tuổi rất trẻ, chỉ mới tham gia vào mô hình này cách đây không lâu.
"Sau một tuần, khoá học kết thúc, các đại lý sẽ được cấp tấm bằng vô nghĩa, chỉ có giá trị nội bộ, chứng nhận đã hoàn thành khóa học của OTB Group", Thanh nói.
Nhà đầu tư sẽ được cấp chứng nhận khi hoàn thành khóa học. |
Theo chia sẻ trong buổi đào tạo, để mua quyền đại lý và làm thành viên VIP, nhà đầu tư phải bỏ ra 100 USD. Hội nhóm này còn cam kết rằng sẽ bảo hiểm vốn khi trở thành đại lý và được đặc cách tham gia các buổi họp online dành cho thành viên VIP. Đồng thời, người dùng sẽ được hưởng hoa hồng theo 7 cấp, tương tự mô hình đa cấp kim tự tháp.
Tập trung thu hút người đầu tư trẻ tuổi
OTB Group có cách xây dựng hệ thống tập trung tiếp cận người chơi trẻ tuổi. Nhóm này xây dựng hình ảnh cá nhân trẻ trung, sành điệu để thu hút Gen Z tham gia mô hình đa cấp cá cược.
Khác với những hội nhóm nhị phân thông thường, OTB Group tạo vỏ bọc là những “hot boy”, “hot girl” tài chính để lôi kéo người chơi. Ngoài ra, OTB còn tổ chức những buổi tiệc hiphop, thường được đăng tải trên Instagram.
OTB Group muốn tiếp cận người trẻ, nhóm tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm sống và dễ bị chiêu dụ bởi những thứ xa hoa
Minh Phương, chuyên gia Marketing từ SeaEvent
Các thành viên của OTB Group đa phần thuộc nhóm thế hệ Z (độ tuổi vào khoảng 16-25 tuổi hiện nay). Qua các clip được chia sẻ về các buổi tiệc thì nhóm này có khoảng hơn 10 bạn trẻ. Những người này chỉ ăn mặc theo phong cách hiphop, đa phần không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
"Từ cách quảng bá trên mạng xã hội TikTok, Instagram đến việc chọn khẩu hiệu 'tài chính hiphop' cho thấy OTB Group muốn tiếp cận người trẻ, nhóm tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm sống và dễ bị chiêu dụ bởi những thứ xa hoa", Minh Phương, chuyên gia Marketing từ SeaEvent phân tích.
Hội nhóm "tài chính hiphop 4.0" quảng bá nhị phân nhắm vào khách hàng trẻ tuổi. Ảnh: FBNV. |
Theo luật sư Nguyễn Đức Toàn, Đoàn Luật sư TP.HCM, Nghị định 40/2018/NĐ-CP cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh đa cấp khi chưa được cấp giấy phép hoạt động bán hàng đa cấp. Đáng lưu ý, nghị định này cũng chỉ ra đối tượng của hoạt động kinh doanh đa cấp chỉ là hàng hóa và cấm mọi hoạt động kinh doanh đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa trong đó có tiền kỹ thuật số.
Từ 2020, mô hình đa cấp nhị phân đã bị cơ quan chức năng, các chuyên gia tài chính, cảnh báo nhiều lần. Tuy vậy, đến hiện tại những cái tên như Wefinex, Pocinex, Deninex… vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Phối hợp với Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cùng Bộ Công Thương, Công an TP.HCM xác định mô hình hoạt động, phát triển mạng lưới và trả thưởng của Wefinex có dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Trong khi đó, cách hoạt động của mô hình nhị phân Wefinex được Công an TP.HCM nhận định tương tự như trò cá cược tài xỉu.
Gen Z làm đa cấp 'tài chính hiphop 4.0' TikTok Tiền mã hóa OTB Group tài chính hiphop 4.0 nhị phân đa cấp
Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Máy nhồi bột Bear có tốt không? Địa chỉ mua máy nhồi bột Bear chính hãng
>> Nồi phủ sứ an toàn Honey's HO-AP2C182 size 18 màu vàng
>> Trên tay Galaxy A52 5G: Phiên bản nâng cấp với màn hình 120 Hz, chip Snapdragon 750G và thiết kế không đổi
0 nhận xét:
Đăng nhận xét