Tại sự kiện “Spring Loaded”, Apple cuối cùng đã giới thiệu phụ kiện theo dõi đồ dùng được mong đợi từ lâu, được gọi là AirTag, sau gần hai năm được đồn đoán và xuất hiện trong các đoạn mã iOS và tài liệu của Apple. Tại sao phụ kiện này lại quan trọng? Chúng có gì khác biệt và tại sao bạn nên quan tâm đến sản phẩm mới này?
Hãy cùng mình tìm hiểu trong bài viết này nhé.
AirTag hoạt động như thế nào?
Trước tiên, hãy giải thích AirTag là gì.
AirTag là một phụ kiện theo dõi mà bạn có thể gắn lên bất kì đồ dùng nào mà bạn muốn, chẳng hạn như ví, chìa khóa, ba lô hoặc hành lý của bạn và theo dõi vị trí của nó thông qua ứng dụng Tìm (Find My).
Chưa dừng lại ở đó, AirTag còn tận dụng mạng lưới trong ứng dụng Tìm để bất kỳ thiết bị Apple nào trong phạm vi có bật Bluetooth thì đều có thể cập nhật vị trí của AirTag. Bởi vì có hàng tỷ thiết bị Apple nằm khắp mọi nơi, nên chẳng may bạn làm mất một món đồ có gắn AirTag, một thiết bị Apple ở gần đó có thể định vị được vị trí AirTag của bạn và gửi cho bạn vị trí mà vẫn giữ được quyền riêng tư với mã hóa từ đầu đến cuối.
AirTag còn được trang bị một chiếc loa nhỏ giúp bạn định vị đồ thất lạc dễ dàng hơn rất nhiều. Khi bạn đưa nó vào chế độ mất (Lost Mode), nó sẽ phát ra âm thanh để bạn có thể tìm thấy trong phạm vi có thể xác định được.
Mặt lưng AirTag được làm từ thép không gỉ và mặt trên màu trắng được làm từ nhựa bóng, tất nhiên hai vật liệu này rất dễ trầy xước, bạn có thể thay pin cho nó bằng viên pin CR2032 rất dễ để mua được, nhưng phải đến hơn một năm thì mới cần phải thay pin cho AirTag.
Khi pin bắt đầu yếu, bạn sẽ nhận được thông báo trên thiết bị Apple của mình khuyên bạn nên thay pin. Pin CR2032 khá dễ kiếm, có giá chỉ từ vài nghìn đồng. AirTag đạt chuẩn IP67 và có thể ngâm dưới nước tới 1m trong 30 phút, tất nhiên bạn không nên cố ý làm vậy vì dù sao đây vẫn là một thiết bị điện tử.
AirTag được trang bị con chip U1 của Apple để lập bản đồ vị trí chính xác hoặc phục vụ cho tính năng “Precision Finding”. Nghĩa là nếu bạn đang dùng iPhone 11 hoặc iPhone 12 trở lên, bạn có thể định vị vị trí chính xác hơn về khoảng cách và hướng đến AirTag bị mất khi nó nằm trong phạm vi. Hơn nữa, như Apple mô tả:
Khi người dùng di chuyển, tính năng “Precision Finding” sẽ kết hợp với camera, ARKit, gia tốc kế và con quay hồi chuyển, sau đó sẽ hướng dẫn người dùng tìm đến AirTag bằng cách kết hợp giữa phản hồi âm thanh, xúc giác và hình ảnh.
Apple
Apple nổi tiếng với việc cho phép các phụ kiện của mình ghép nối với iPhone hoặc iPad của bạn khá dễ dàng và AirTag cũng không ngoại lệ. Quá trình ghép nối của AirTag khá giống với quá trình ghép nối AirPods với iPhone của bạn. Tất cả những gì bạn cần làm là đưa AirTag đến gần iPhone trong vài giây và một menu sẽ xuất hiện trên iPhone của bạn để bắt đầu thiết lập AirTag.
Apple cho biết nếu một AirTag không được ghép nối với thiết bị của bạn nhưng đang di chuyển cùng bạn, ví dụ như khi đang lái xe, bạn sẽ nhận được thông báo trên iPhone cho phép bạn thông báo cho chủ sở hữu hoặc thậm chí vô hiệu hóa AirTag trừ khi chủ nhân của nó cũng đi cùng bạn. Apple muốn ngăn chặn việc theo dõi vị trí không mong muốn của người khác theo cách này. Điều đáng chú ý là tính năng này cũng có thể dùng trên các máy Android, nên bạn vẫn có thể tắt tính năng theo dõi vị trí không mong muốn bằng cách sử dụng NFC của điện thoại Android hoặc bất kỳ thiết bị có hỗ trợ NFC nào khác.
Lý do mua AirTag
Điểm mạnh lớn nhất của AirTags so với Tile (một phụ kiện khác tương tự AirTag) hoặc các phụ kiện theo dõi đồ dùng, là nó dựa vào mạng lưới của ứng dụng Tìm để cập nhật vị trí của chính nó. Vì Apple đang có đến hàng tỷ thiết bị đang bật tính năng Tìm iPhone (Find My iPhone) nên bạn sẽ có nhiều cơ hội tìm lại được món đồ bị mất của mình nhiều hơn so với Tile (chỉ dựa và mạng lưới của Tile).
Giá bán cũng là một điểm mạnh khác vì AirTag có giá khá phải chăng, chỉ từ 29 USD (tương đương 790.000đ) cho một chiếc. AirTag sẽ trở nên cực kỳ hữu ích trong trường hợp bạn mang theo balo có chứa nhiều thứ giá trị như chìa khóa, ví hoặc laptop,…đi làm hoặc đi du lịch. Hoặc đơn giản hơn là gắn vào hành lý mà bạn ký gửi ở sân bay.
Những lý do không nên mua AirTag
Bạn không nên mua AirTag nếu bạn đang có ý định gắn nó lên những món đồ dễ bị lấy cắp. Kẻ trộm có thể gỡ AirTag ra dễ dàng hoặc chúng có thể chỉ nhận được thông báo trên điện thoại rằng một thiết bị không xác định đang theo dõi vị trí của chúng. Trong trường hợp này, họ có thể vô hiệu hóa AirTag.
AirTag không tương thích với các thiết bị Android, nghĩa là bạn không nên mua nó nếu bạn đang dùng Galaxy S21 Ultra, OnePlus 9 Pro hoặc bất kỳ smartphone Android nào khác. AirTag chỉ hoạt động với Android ở một mức độ hạn chế, và chỉ hoạt động với những smartphone được trang bị NFC và chỉ giao tiếp khi AirTags ở chế độ mất (Lost Mode).
Nếu bạn cảm thấy tự tin và không muốn theo dõi bất kỳ món đồ nào của mình thì tất nhiên bạn không nên quan tâm đến AirTag làm gì.
Giá bán
Bạn có thể đặt hàng AirTag ngay từ bây giờ tại các đại lý ủy quyền của Apple và bắt đầu giao hàng từ đầu tháng 6. Một chiếc AirTag chính hãng có giá bán 790.000đ (29 USD) và hộp bốn chiếc có giá 2.790.000đ (99 USD). Nếu bạn mua AirTag ở những nước có Apple Store hoặc trên trang Apple.com, bạn có thể chọn khắc các các chữ cái hoặc biểu tượng cảm xúc lên AirTag của mình miễn phí.
Cũng cần nhắc lại là AirTag không đi kèm phụ kiện gì để gắn chúng vào đồ dùng của bạn ngoài việc đặt chúng vào bên trong các đồ dùng mà bạn muốn theo dõi. Apple và các bên thứ ba sẽ cung cấp nhiều loại phụ kiện AirTag cho phép bạn gắn nó vào hành lý, chìa khóa, balo,… tất nhiên phụ kiện của bên thứ ba làm sẽ có giá phải chăng hơn Apple.
Bạn nghĩ sao về AirTag? Bạn có dự định mua nó không? Cá nhân mình sẽ đặt thử một chiếc xem như thế nào trước khi quyết định mua thêm. Cùng chia sẻ suy nghĩ của bạn bên dưới nhé.
Theo 9TechEleven
Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Máy nhồi bột Bear có tốt không? Địa chỉ mua máy nhồi bột Bear chính hãng
>> Nồi phủ sứ an toàn Honey's HO-AP2C182 size 18 màu vàng
>> Trên tay Galaxy A52 5G: Phiên bản nâng cấp với màn hình 120 Hz, chip Snapdragon 750G và thiết kế không đổi
0 nhận xét:
Đăng nhận xét