Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chuyển đổi số là hướng đi đúng đắn, góp phần phục hồi kinh tế và đảm bảo an toàn của người dân trong đại dịch.
"Thế giới đang trải qua những biến động nhanh chóng, sâu sắc chưa từng có, đặc biệt do những tác động của đại dịch Covid-19. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và quá trình chuyển đổi số trên toàn cầu đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với các quốc gia. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là chuyển đổi số là hướng đi đúng đắn, vừa đảm bảo trạng thái hoạt động bình thường mới trên không gian số, vừa góp phần phục hồi kinh tế với sức khỏe và sự an toàn của người dân luôn được đặt lên hàng đầu", Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị và triển lãm Thế giới số - ITU Digital World 2021, diễn ra tối 12/10.
Theo Thủ tướng, là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, kinh tế Việt Nam vẫn được kỳ vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn khi Covid-19 đang từng bước được kiểm soát.
"Chính phủ Việt Nam coi hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, các nền tảng số quốc gia là yếu tố then chốt và đang nỗ lực tăng tốc lộ trình chuyển đổi số quốc gia", Thủ tướng cho biết. "Trong đó, Chính phủ luôn tin tưởng lực lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng đối với việc triển khai thành công tiến trình này để kinh tế số Việt Nam chiếm trên 20% tỷ trọng GDP quốc gia vào năm 2025 và 30% vào năm 2030".
Chia sẻ tại sự kiện, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh: "Gần hai năm qua, Covid-19 đã tạo ra rất nhiều khó khăn và thách thức. Covid rồi cũng sẽ qua đi, quan trọng là ai sẽ tận dụng được cơ hội mà Covid mang lại, ai sẽ là người thích ứng nhanh, kịp thời thay đổi để vượt lên với sức sống mạnh mẽ hơn".
Theo Bộ trưởng, trong tiến trình này, "điều cốt yếu là nhanh chóng chuyển mọi hoạt động lên môi trường số. Với chuyển đổi số thì một tháng Covid có thể bằng hàng chục năm". Chính vì thế, sự kiện năm nay tiếp tục chủ đề Chung tay xây dựng Thế giới số, nhưng tập trung vào các chủ đề con là hạ tầng, truy cập và dịch vụ số để thúc đẩy chuyển đổi số.
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng để phát triển nhanh và bền vững, giải pháp phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay là phát triển số. Các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tập trung chủ yếu cho phát triển số. Đổi mới sáng tạo cũng chủ yếu là trong lĩnh vực kinh tế số, xã hội số. Phát triển số có thể coi là sự phát triển chủ đạo của nửa đầu thế kỷ 21.
"Việt Nam đang kiên cường vượt qua mọi thách thức, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để góp phần chiến thắng dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
ITU Digital World, tiền thân là Triển lãm Viễn thông Thế giới - ITU Telecom World, là sự kiện toàn cầu thường niên của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU, được tổ chức lần đầu năm 1971 tại Geneva. Năm 2020, sự kiện được đổi tên theo sáng kiến của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Việt Nam cũng là nước đầu tiên tổ chức ITU Digital World dưới hình thức trực tuyến, áp dụng công nghệ thực tế ảo vào các gian hàng. Năm nay, sự kiện diễn ra trong ba ngày 12-14/10, tập trung vào các chủ đề về hạ tầng, truy cập và dịch vụ số để thúc đẩy chuyển đổi số. Chương trình có sự tham gia của 158 nước, 32 Bộ trưởng, 8 Thứ trưởng và 90 diễn giả đến từ các tổ chức quốc tế, tập đoàn công nghệ toàn cầu.
Ông Houlin Zhao, Tổng thư ký Liên minh viễn thông quốc tế, khẳng định việc lựa chọn tổ chức sự kiện tại Việt Nam là "một quyết định đúng đắn". Những thành tựu trong phát triển ICT đưa Việt Nam trở thành một mô hình đáng chú ý trong khu vực và trên thế giới. Theo ông, tinh thần hợp tác đa phương, cùng chia sẻ ý tưởng, hoạt động... sẽ giúp tạo ra những bước nhảy vọt trong hành trình thực hiện lời hứa "kết nối những người không kết nối" vào năm 2030.
Khương Nha - Lưu Quý
Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Máy nhồi bột Bear có tốt không? Địa chỉ mua máy nhồi bột Bear chính hãng
>> Nồi phủ sứ an toàn Honey's HO-AP2C182 size 18 màu vàng
>> Trên tay Galaxy A52 5G: Phiên bản nâng cấp với màn hình 120 Hz, chip Snapdragon 750G và thiết kế không đổi
0 nhận xét:
Đăng nhận xét