Nghe đến từ "cá mập", có thể bạn sẽ liên tưởng đến hình ảnh của một con vật có bộ hàm khủng khiếp, trợn mắt nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống thứ trước mặt. Mặc dù hình ảnh về những con cá mập trắng khổng lồ đã mang tính biểu tượng cho cá mập, nhưng cá mập có nhiều hình dạng hơn là chỉ mỗi nét đáng sợ đó.
Thế giới cá mập có đầy những “người đẹp mắt to”, những con cá bé xíu dễ thương, nhưng tất nhiên một vài loài có thể ám ảnh bạn. Dưới đây là những con cá mập kỳ lạ nhất.
20. Cá mập sừng
Cá mập sừng (Heterodontus francisci) là loài cá mập nhỏ, yêu thích sự yên tĩnh. Chúng dành cả ngày để ẩn náu trong các khe đá ở vùng nước sâu dưới 12 mét. Vào ban đêm, những con cá mập này ra ngoài để săn mồi, nhưng chúng không phải là những kẻ ăn đêm điêu luyện. Chúng bơi lội vụng về, và đôi khi chúng còn dùng vây để bò dọc theo tảng đá thay vì bơi. Điều này có hiệu quả với chúng, vì chúng ăn chủ yếu là động vật thân mềm và da gai như nhím biển.
Ngoài khả năng bò, cá mập sừng còn nổi bật bởi những chiếc gai sắc nhọn mọc trên lưng của chúng. Những chiếc gai này giúp bảo vệ cá mập khỏi những kẻ săn mồi - chúng có gai ngay từ ngày được sinh ra.
19. Cá mập túi
Những con cá mập này không chỉ nhỏ bé đến mức nằm gọn trong lòng bàn tay, mà còn có hình dạng giống như những con cá nhà táng nhỏ bé, dễ thương.
Đây là loài cá mập túi, hay Mollisquama mississippiensis, một loài mới có kích thước rất nhỏ được phát hiện ở Vịnh Mexico vào năm 2010. Loài cá mập này không thực sự được đặt tên theo kích thước của chúng, mà là một cái lỗ hình túi gần vây ngực của chúng. Các nhà nghiên cứu nói rằng vì chỉ có rất ít cá mập túi từng bị bắt nên họ không biết nhiều về sinh học của chúng, nhưng lỗ túi có thể được sử dụng để bài tiết pheromone hoặc chất lỏng phát quang sinh học.
18. Cá mập voi
Dài tới 10 m, cá mập voi là loài cá lớn nhất trên thế giới còn tồn tại. Nhưng như vậy không đủ điều kiện để chúng có một vị trí trong danh sách này, điều khiến cá mập voi kỳ lạ chính là “răng” quanh mắt của chúng.
Vào năm 2020, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát hiện ra rằng mắt cá mập voi được bao quanh bởi những chiếc răng nhỏ, được gọi là răng giả. Theo Phys.org, những chiếc răng giả này nằm giữa các túi phồng chứa nhãn cầu của cá mập (chúng không có mí mắt). Răng giả có hình dạng tương tự như răng hàm của con người và chúng có thể giúp bảo vệ mắt cá mập voi khỏi sự tấn công của các sinh vật đại dương nhỏ.
17. Cá mập godzilla
Ba trăm triệu năm trước, cá mập Godzilla đã làm thịt những con cá nhỏ hơn ở nơi mà bây giờ là New Mexico. Tuy nhiên, Godzilla chỉ là biệt danh của những con quái vật dài 2 m này - tên thật của chúng là cá mập rồng Hoffman (Dracopristis hoffmanorum).
Loài cá mập cổ đại này có 12 hàng răng sắc như dao cạo và một cặp vây dài 0,8 m, trông giống con thằn lằn trên lưng. Những con cá mập này có thể đã ẩn nấp gần đáy cửa sông và săn các động vật có xương sống nhỏ và động vật giáp xác.
16. Cá mập mặt lợn
Những con cá mập này không chỉ có mõm giống như lợn mà còn gầm gừ như lợn khi được kéo lên khỏi mặt nước. Vì lý do đó, những người đánh bắt cá ở Địa Trung Hải thường gọi chúng là “cá lợn”.
Cá mập này có tên chính thức là cá mập da nhám (Oxynotus centrina). Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), những con cá mập mặt heo này dài khoản 1 m, là loài "dễ bị tổn thương". Những con cá mập thường vô tình bị mắc vào lưới đánh cá, dẫn đến số lượng dân số ngày càng giảm.
15. Cá mập yêu tinh
Cá mập yêu tinh (Mitsukurina owstoni) có những chiếc răng nhọn, nhô ra và mõm dài, và màu sắc hơi hồng của chúng trông giống loài động vật có vú một cách kỳ lạ. Không khó để thấy tại sao những con cá mập này lại có cái tên như vậy.
Tuy nhiên, trừ khi bạn là động vật giáp xác hoặc các loài bọ biển, cá mập yêu tinh không phải là mối đe dọa. Theo Bảo tàng Úc, cá mập yêu tinh là loài sống ở đáy, sống gần đáy đại dương ở độ sâu khoảng 1.200 m. Bộ hàm đáng sợ của cá mập yêu tinh vươn ra ngoài để ngoạm con mồi. Mõm của chúng cũng có những lỗ li ti có thể phát hiện ra các điện tích cực nhỏ phát ra từ các sinh vật sống - một cách tiện lợi để săn mồi trong đại dương sâu và tối.
14. Cá mập cắt bánh quy
Cá mập cắt bánh quy (Cookiecutter), hay Isistius brasiliensis, không lớn lắm - chúng phát triển chỉ dài khoảng 50 cm - nhưng chúng rất thích cắn. Sử dụng bộ hàm tròn và đầy răng, những con cá mập này đôi khi gặm nhấm những sinh vật lớn hơn chúng nhiều, bao gồm cả cá mập trắng lớn. Ít nhất nó được ghi nhận đã cắn một người vào năm 2011. Nạn nhân, một vận động viên bơi đường dài, đã hồi phục. Những con cá mập này được đặt tên vì bộ hàm giống như dụng cụ cắt bánh và cho phép cá mập xé những mảng thịt từ con mồi của chúng.
Những con cá mập này chiếm một vị trí bất thường trong chuỗi thức ăn. Hầu hết chế độ ăn uống của chúng được tạo ra từ các động vật nhỏ, sống dưới đáy đại dương mà cá mập có thể nuốt trọn. Nhưng vào ban đêm, cá mập cookiecutter đôi khi di chuyển về phía bề mặt đại dương để gặm những con mồi lớn như các loài cá mập và cả cá voi sát thủ, đôi khi nó còn gặm cả thuyền bè.
13. Cá mập mang xếp
Cá mập mang xếp (Chlamydoselachus anguineus) đáng sợ với 300 chiếc răng nhọn. Đây là một trong số ít loài cá nhám có 6 cặp khe mang, các khe mang nhỏ được xếp thành nếp giúp mở rộng được các sợi mang. Cá mập này có thể dài tới 1,5 m, chúng sử dụng hàm răng sắc nhọn hướng về phía sau để cắn cá, mực và các loài cá mập khác gấp đôi kích thước của chúng.
Thật đáng kinh ngạc, những con cá mập này về cơ bản đã không tiến hóa trong 80 triệu năm, kể từ trước khi loài khủng long tuyệt chủng. Chúng sống ở độ sâu từ 20 đến 1.500 m dưới Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
12. Cá mập miệng đen không da
Một con cá mập “trần trụi” được kéo từ Địa Trung Hải vào tháng 7 năm 2019 không phải là một loài mới, mà là một cá thể với tình trạng bí ẩn kỳ lạ: Nó dường như được sinh ra mà không có da hoặc răng.
Con cá mập miệng đen này (Galeus melastomus) vẫn bình thường khi nó bị ngư dân vô tình bắt được. Nó khoảng 3 tuổi, có kích thước điển hình so với lứa tuổi của nó, loài này có thể dài đến 70 cm, và có một cái bụng no.
Antonello Mulas, nhà sinh vật học tại Đại học Cagliari ở Sardinia, nói với Live Science vào thời điểm đó: “Phản ứng đầu tiên của chúng tôi là ‘Một con cá mập không có da không thể sống sót’. Nhưng, như Shakespeare đã nói, có nhiều thứ trên trời và dưới đất hơn những gì bạn có thể tưởng tượng."
11. Cá mập đèn lồng
Cá mập đèn lồng (viper dogfish), có tên khoa học là Trigonognathus kabeyai, nhìn như một loài cá quái lạ từ hành tinh khác. Loài cá mập biển sâu này chỉ được phát hiện vào năm 1986 và hiếm khi được nhìn thấy kể từ đó. Chúng là họ hàng xa của cá mập yêu tinh, có bộ hàm nhô ra tương tự với bộ răng nham nhở. Những sinh vật đáng sợ này chỉ dài 18 đến 53 cm.
Cá mập đèn lồng cũng có khả năng phát sáng. Các cơ quan phát quang sinh học được gọi là tế bào quang nằm ở mặt dưới của những con cá mập này. Cá mập đèn lồng là một phần của họ cá đèn (Etmopteridae), các thành viên của họ này đều phát sáng. Ánh sáng này có thể ngụy trang cho những con cá mập khi nhìn từ bên dưới, vì ánh sáng dịu dàng kết hợp với ánh sáng mặt trời lọc qua mặt nước giúp nó khó bị phát hiện. Ánh sáng cũng có thể thu hút những con mồi nhỏ ở đại dương tối tăm.
10. Cá mập ma
Bơi dưới đại dương đen sâu khoảng 1,640 m, cá mập chuột xanh mũi nhọn (Hydrolagus trolli) trông giống như những bóng ma kỳ lạ, im lặng. Vì lý do đó, những con cá mập hiếm thấy này đôi khi được gọi là "cá mập ma".
Cá mập ma được xác định chính thức vào năm 2002, khi các nhà nghiên cứu phân loại và đặt tên cho loài này dựa trên vài chục xác cá vô tình bị kéo vào bởi những người đánh cá. Từ năm 2000 đến 2007, một nhóm các nhà khoa học khác tại Viện Nghiên cứu Thủy cung Vịnh Monterey (MBARI) ở California đã quay được một loạt video ngoài khơi bờ biển Trung California cho thấy các mẫu vật sống.
Theo Lonny Lundsten, một kỹ thuật viên nghiên cứu cấp cao tại MBARI, cho biết "điều kỳ lạ là cơ quan giống như chiếc gậy trên đỉnh đầu của con đực. Cơ quan này được sử dụng để định vị con cái trong khi giao cấu.
9. Cá mập một mắt
Năm 2011, các ngư dân thương mại đã kéo một con cá mập cát (Carcharhinus obscurus) từ vùng biển của Vịnh California. Con cá mập đang mang thai, nhưng khi những người đánh cá kiểm tra nó, họ phát hiện ra rằng một trong những bào thai của nó rất bất thường: Nó là một con bạch tạng, và nó cũng chỉ có một mắt.
Các nhà nghiên cứu khi kiểm tra bào thai cá mập đã phát hiện ra rằng mắt được cấu tạo từ mô quang học chức năng, nhưng con cá mập có thể đã chết bên ngoài tử cung. Cyclopia là một hiện tượng bất thường về phát triển xảy ra ở rất nhiều loài, bao gồm cả con người. Nó thường kết hợp với nhiều điều bất thường khác và thường gây tử vong ngay sau khi sinh.
8. Cá mập Genie
Về chủ đề đôi mắt, cá mập Genie có đôi mắt rất đặc biệt. Những con cá mập này (Squalus clarkae) là sinh vật nước sâu sống ở Vịnh Mexico và tây Đại Tây Dương. Kích thước nhỏ của chúng (50 đến 70 cm) và đôi mắt màu xanh dương lớn, khiến chúng trông giống như một nhân vật “cute” trong anime. Loài cá mập được phát hiện và chính thức ghi nhận vào năm 2018.
7. Cá mập “phình to”
Ngay cả cá mập cũng cần tránh những kẻ săn mồi. Những con cá mập phình to, dành cả ngày trốn trong các khe đá, đã nghĩ ra một kế hoạch thông minh để đánh bại những kẻ săn mồi: Chúng hút một lượng nước biển khổng lồ để phình to gấp đôi kích thước bình thường của chúng.
Cá mập phình sống ở khắp nơi, từ bờ biển California đến vùng biển gần Philippines. Thủ thuật của chúng có thể đe dọa những kẻ săn mồi nếu chúng ra ngoài kiếm ăn vào ban đêm; và vào ban ngày, những con cá mập có thể phình to để trú ẩn bên trong hang, ngăn chặn những kẻ săn mồi kéo chúng ra ngoài.
6. Cá mập đèn lồng bụng phát sáng
Cá mập bụng phát sáng (Etmopterus spinax), là loài cá mập được tìm thấy dưới sâu ở Đại Tây Dương và Địa Trung Hải, đã nghĩ ra một cách khác để tránh bị ăn thịt: Chúng gần như có một biển cảnh báo phát sáng nói rằng: "Nguy hiểm, gai trên người tôi còn nhọn hơn những gì các người thấy!"
Những con cá mập này thường dài không quá 60 cm, vì vậy chúng dễ bị tổn thương trước những kẻ săn mồi lớn hơn. Những chiếc gai sáng lên của chúng có thể cảnh báo những kẻ săn mồi đói rằng chúng là một loài vật khó nuốt.
5. Cá mập Phoebodus
Cá mập Phoebodus từng bơi trong đại dương khoảng 350 triệu năm trước và dài tới 1,2 m. Những chiếc vảy cá mập đầu tiên từng được tìm thấy có niên đại cách đây 450 triệu năm, và những chiếc răng cá mập đầu tiên cách đây khoảng 410 triệu năm, vì vậy, cá mập Phoebodus đã xuất hiện khá sớm trong loài cá mập. Chúng có hàm răng ba khía, cơ thể giống lươn và mõm dài, và có thể trông hơi giống cá mập mang xếp hiện đại.
4. Cá mập lồng đèn “ninja”
Tên thông dụng của con cá mập tàng hình được đặt bởi vài đứa trẻ 8 tuổi, em họ của nhà khoa học đã phát hiện ra sinh vật này. Theo Tạp chí Hakai, nhà nghiên cứu Vicky Vásquez đã chọn cái tên “ninja” sau khi những cậu em họ của cô gợi ý rằng làn da đen bóng mượt và sự phát quang sinh học nhẹ của cá mập khiến họ liên tưởng đến một "siêu nhẫn giả."
Những con cá mập này cũng có một cái tên khoa học thú vị: Etmopterus benchleyi, theo tên của Peter Benchley, tác giả của cuốn sách "Jaws".
Cá mập ninja có kích thước nhỏ, chỉ dài khoảng 0,5 m. Chúng sống ở ngoài khơi Trung Mỹ.
3. Cá mập thảm râu rậm
Bạn nhận được gì khi “dung hợp” một con cá với tấm thảm thời những năm 1970? Có lẽ là một con cá mập thảm râu rậm này (wobbegong). Những sinh vật sống dưới đáy này thuộc họ Orectolobidae, được ngụy trang bằng các hoa văn màu cam sặc sỡ. Phần “râu” chính là các thùy cảm giác nằm dọc theo hàm của chúng.
Có hàng chục loài cá mập wobbegong, trải dài trên đông Ấn Độ Dương và tây Thái Bình Dương. Loại lớn nhất dài tới hơn 3 m. "Wobbegong" có nghĩa là "bộ râu rậm" trong tiếng Úc bản địa.
2. Cá mập đại bàng
Cá mập từng thậm chí còn từng kỳ lạ hơn. 93 triệu năm trước, ở vùng đất ngày nay là Mexico, cá mập đại bàng (Aquilolamna milarcae) lướt qua biển cả với những chiếc vây giống như đôi cánh. Vây của cá mập có chiều ngang dài 1,9 m, rộng hơn so với cả chiều dài của cá, vì chúng có chiều dài là 1,65 m.
Mặc dù răng của những con cá mập này không tồn tại qua quá trình hóa thạch, nhưng những người phát hiện ra chúng nghi ngờ rằng chúng là động vật ăn phù du như cá mập voi hiện đại.
1. Cá mập Helicoprion
Bộ hàm lưỡi cưa kỳ lạ của những sinh vật này khiến các nhà nghiên cứu phải mất hơn một thế kỷ mới tìm ra được chuyện gì đang xảy ra với Helicoprion. Bộ hàm lần đầu tiên được khai quật ở Dãy núi Ural vào cuối những năm 1800 và thuộc một chi đã tuyệt chủng sống cách đây khoảng 270 triệu năm. Theo Wired, một nhà địa chất học đã nhận ra đó là răng và đặt tên cho những sinh vật là Helicoprion vào năm 1899. Nhưng không ai có thể hiểu được làm thế nào mà một con cá mập lại có thể nhét bộ hàm răng cưa kỳ lạ như vậy vào miệng nó.
Mãi đến năm 2014, các nhà khoa học mới tìm ra điều đó, dựa trên một mẫu vật được tìm thấy ở Idaho có các bộ phận của hàm trên được bảo tồn. Theo National Geographic, những con cá mập dài tới 7,6 m này không có răng hàm trên, để không cản trở việc sắp xếp của hàm răng lưỡi cưa bên dưới.
Nghiên cứu nhận định sự sắp xếp răng cưa của cá mập cũng cho thấy Helicoprion có khả năng không phải là cá mập về mặt kỹ thuật, mà là họ hàng gần của cá mập được gọi là cá chuột, nhưng với những chiếc răng như vậy, dù sao chúng cũng xứng đáng nằm trong danh sách này.
Tham khảo: LiveScience
Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Máy nhồi bột Bear có tốt không? Địa chỉ mua máy nhồi bột Bear chính hãng
>> Nồi phủ sứ an toàn Honey's HO-AP2C182 size 18 màu vàng
>> Trên tay Galaxy A52 5G: Phiên bản nâng cấp với màn hình 120 Hz, chip Snapdragon 750G và thiết kế không đổi
0 nhận xét:
Đăng nhận xét